Lập bàn thờ vong người mới mất là một trong những nghi lễ đặc biệt quan trọng trong lễ tang truyền thống của người Việt. Theo phong tục dân gian, gia đình cần lập một ban thờ riêng, gọi là bàn thờ vọng đặt tại gian thờ hoặc gian nhà ngang. Bởi lẽ lúc này, người mới mất chưa được thờ tự chung trên bàn thờ gia tiên. Cách lập bàn thờ người mới chết không quá cầu kỳ nhưng chắc chắn phải được chuẩn bị tươm tất, chu đáo, tuyệt đối không được thực hiện sơ sài cho có.
Bàn thờ vong là gì?
Lập bàn thờ vong hay lập bàn thờ người mới mất là một nghi thức không thể bỏ qua trong tang lễ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tín ngưỡng, vùng miền và quan niệm tâm linh mà mỗi gia đình sẽ có cách lập bàn thờ vong linh khác nhau. Bàn thờ vong là mẫu bàn thờ được sử dụng để cúng vong linh người qua đời.
Gia chủ có thể sử dụng tủ thờ hoặc một chiếc bàn có kích thước phù hợp để lập bàn thờ người mất. Trên mặt bàn sẽ bày trí những vật phẩm thờ cúng cần thiết cho việc ma chay. Mục đích của việc lập bàn thờ vong linh là để tưởng nhớ, bày tỏ sự tiếc thương vô hạn với người đã khuất.
Bắt đầu từ việc lập bàn thờ vong người mới mất, đám tang diễn ra, sau đám tang là tuần thất, rồi đến đám giỗ. Khác với quan niệm của người phương Tây rằng “người chết sẽ lên thiên đường”, đối với người Việt, cái chết là một điều vô cùng đau buồn và thương xót. Do đó, mọi gia đình luôn cố gắng chuẩn bị tang lễ một cách chu toàn nhất. Bởi lẽ, đây là cách duy nhất để kết nối hai thế giới âm – dương.
Bàn thờ vong gồm những gì?
Vì người mới mất chưa thể thờ chung trên bàn thờ gia tiên nên cần lập bàn thờ vong linh riêng tại gian thờ. Thực tế, cách lập bàn thờ người mới chết không cần quá cầu kỳ và phô trương. Một số vật phẩm thờ cúng cần có khi bài trí bàn thờ vong phải kể đến như sau:
- Bát hương mới
- Di ảnh hoặc bài vị
- Mâm ngũ quả
- Lọ hoa
- Chén nước
- Đèn thờ
Cần đảm bảo bố trí tất cả vật phẩm thờ cúng một cách gọn gàng và hợp lý. Đặc biệt, di ảnh, chén thờ và bát hương phải được sắp xếp theo thứ tự chuẩn. Gia chủ nên để người lớn, những người có kinh nghiệm trang trí bàn thờ vong để mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn.
Cách lập bàn thờ người mới mất
Chuẩn bị bàn thờ và những vật phẩm thờ cúng vừa kể trên là bước đầu tiên trong cách lập bàn thờ vong người mới mất. Lưu ý, gia chủ không nhất thiết phải mua một chiếc bàn thờ mới quá uy nghi và bề thế. Bởi vì sau 49 ngày, hoặc 100 ngày (tuỳ gia đình), gia đình sẽ hoá giải bàn thờ vong và đưa di ảnh, bát hương người mới mất lên bàn thờ gia tiên.
Tuy nhiên, bàn thờ, tủ thờ vong phải có kích thước phù hợp, tránh tình trạng không gian bày biện đỗ lễ bị hạn chế, nhỏ hẹp. Sau đó, gia đình tiến hành lễ nhập vị cho người mới mất. Bài vị và di ảnh người quá cố được xem là nơi cư ngụ, giúp họ không còn vướng bận nơi trần thế.
Lúc này, để linh hồn người mới mất không quanh quẩn trong gia đình, gia quyến sẽ khấn rằng “Hương linh ở tại nơi đây và không đi lẩn quẩn trong nhà, không được ra khỏi bài vị, chỉ khi nào có lời triệu thỉnh vong ra để nhận thức ăn hay cùng tụ tập thì vong mới được ra”. Lễ cúng vong sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình nhưng nhất định phải thật thành tâm và cung kính.
Cúng cơm sau khi lập bàn thờ vong linh
Ngày nay, dù đã lược bỏ khá nhiều những hủ tục trong tang lễ nhưng cúng cơm chắc chắn là việc quan trọng cần thực hiện một cách chu toàn, tránh những sai sót có thể xảy ra. Trong đó phải kể đến:
Cúng an sàng
Cúng an sàng còn được gọi là lễ cúng an vị vong linh. Cúng an sàng được thực hiện sau khi hạ huyệt chôn cất xong và gia đình đem an vị về nhà, thiết lập bàn thờ người mới mất. Việc cúng an sàng sẽ được duy trì đến khi mãn tang. Đây là lúc hoá giải bàn thờ vong, thỉnh vong linh thờ cúng chung trên bàn thờ ông bà gia tiên.
Cúng mở cửa mộ
Sau lễ cúng an sàng, tức sau 3 ngày kể từ ngày chôn cất, mọi người sẽ ra thăm mộ người khuất và mang theo thang 9 bậc đối với người mất là nữ và thang 7 bậc đối với người nam. Ngoài ra cần mang theo:
- Cây thang 5 tấc tượng trưng cho ngũ thường.
- 3 ống trúc đựng gạo nước đại diện cho tam cang.
- Gà con, tiếng kêu của gà con sẽ thức tỉnh vong linh biết đường lên khỏi mộ.
- Cây mía lau mang ý nghĩa tượng trưng cho công lao của cha mẹ lo lắng cho con cái.
Chưa hết, mâm lễ cúng mở cửa mộ còn có chè xôi, tam sên, trái cây, rượu, gạo, muối, trầu cau, vàng mã…
Cúng thất tuần
Thời gian cúng thất vào ngày thứ 7 kể từ khi người quá cố giã từ trần thế. Nghi thức cúng thất bắt đầu từ buổi chiều hôm trước, tức buổi chiều ngày thứ 6, trước 16 giờ. Gia chủ rước thầy cúng khai kinh, sắm hương hoa trà quả, chè xôi và cúng tất cả bàn thờ trong gia đình.
Cúng 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày
Cúng 21 ngày được gọi là cúng thất thứ ba còn cúng 49 ngày là cúng thất thứ 7 (cúng tuần chung thất). Trong vòng 100 ngày kể từ ngày bắt đầu an táng, người nhà đều phải thắp hương với cơm canh, mời người đã mất về sum họp bữa cơm gia đình. Bởi người ta quan niệm rằng, linh hồn người chết hồn vía nặng, chưa thể siêu thoát, còn quyến luyến bên cạnh người thân.
Khi nào nên hoá giải bàn thờ vong người mới mất?
Theo đạo Phật, sau khi thờ cúng hết 49 ngày là có thể hoá giải bàn thờ vong, không nhất thiết phải đợi đến 100 ngày. Tuy nhiên đến nay, nhiều gia đình vẫn đợi sau 100 ngày mới hoá giải bàn vong linh. Điều này tuỳ thuộc vào quan niệm tâm linh của từng gia đình.
Cúng hóa giải bàn thờ vong chính là giúp người mất hoá giải nghiệp để được siêu thoát, trở về cõi cực lạc. Lúc này, gia quyến không nên quá đau buồn, than khóc vì như vậy linh hồn người mất sẽ quyến luyến mà khó siêu thoát. Ngoài ra, nên ăn chay niệm phật, làm phúc hướng thiện tạo thêm phước phần cho vong linh.
Xem thêm:
Trên đây là cách lập bàn thờ vong người mới mất chi tiết, đầy đủ nhất. Bên cạnh đó là những thông tin hữu ích xoay quanh việc cúng cơm người mới mất và cách hoá giải bàn thờ vong sau 49, 100 ngày. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp gia quyến chuẩn bị tươm tất cho việc lập bàn thờ vong.